Rất lâu rất lâu sau, khi hơi ấm của cha bớt dần, Bàng thúc mở cửa bước vào mang cha ta đi, ta vẫn nhất quyết giữ chặt, khăng khăng cho rằng ông vẫn còn sống.
Đối với ta, ông là người mạnh mẽ nhất kiên cường nhất, sao ta có thể lại chọc tức ông đến mức này.
"Tiểu Vũ ngoan, để thúc đưa cha con đi sửa soạn, không thể để đại nhân cả người như thế này nhập quan được."
Ta bỗng đứng vụt dậy, lớn tiếng thách thức:
"Nếu cha không dậy, con sẽ đi tìm Đường Nhất Bạch, con sẽ gả cho hắn, sẽ bỏ trốn với hắn. Cha mau tức giận mà đánh con đi, con đi thật đấy."
Nói rồi chạy vọt ra ngoài mặc kệ tiếng Bàng thúc gọi với theo, trong đầu óc ta lúc đấy chỉ có mỗi hình ảnh con đường dẫn đến phủ Trạng nguyên, đầu lưỡi cảm giác mằn mặn không phân biệt nổi là nước mưa hay nước mắt đang rơi xuống.
Tất cả bỗng trở về lại ngày hạ năm ngoái, ta cũng vội vàng băng qua màn mưa chạy đến tìm Đường Nhất Bạch, trong lòng cũng lo lắng sợ hãi, chỉ khác là hôm nay hắn không thể mời ta vào nhà, lấy khăn bông lau cho ta, pha cho ta một ấm trà nóng và kiên nhẫn lắng nghe ta nói những lời không đầu không cuối.
Bởi vì hôm nay ta chưa đến được nhà hắn thì đã gặp hắn rồi, bởi vì hắn không còn một màu áo lam thuần khiết tươi cười với ta nữa, bởi vì trên lưng hắc mã là Thái tử Đại Phù Vu Thuần Hy giáp bạc chói lòa xa cách, bởi vì tất cả chỉ là một màn kịch mà Đường Trạng nguyên đã ung dung sắp đặt trước, bởi vì ta đã trao hết niềm tin vui vẻ diễn kịch mua vui cho hắn mà còn tưởng bản thân là thành công.
Rốt cuộc là vì sao ta lại tới đây, tới rồi thì bây giờ sẽ đi đâu, mọi thứ trở nên mờ nhạt huyền ảo cứ như một giấc mộng.
Giữa ngã tư phố Chu Tước rộng lớn, ta như một con kiến nhỏ bé nhận ra thế sự xoay vần mà bản thân đã bị cuốn vào lúc nào không hay, cho đến mất hết tất cả những gì mình có mới ngu muội nhận ra, nhận ra rồi thì cũng chỉ còn có thể trơ mắt người bỏ đi mang theo cả những hồi ức tươi đẹp nhất của ta.
Tang lễ của cha ta, Tả tướng tới thăm viếng cùng Tư Đồ Quân Dao, sau khi thắp hương xong ông ta còn không ngại đầu ta lâu ngày chưa gội mà hết vuốt vuốt rồi lại vỗ vỗ.
"Tiểu Diệp đừng đau buồn quá, sau này cha con không còn nữa có gì cứ đến tìm ta. Dù sao ta và cha con cũng đều bằng hữu trên quan trường."
Ta né tránh bàn tay của ông ta, đứng dậy bước tới bên bát nhan vẫn còn hai cây hương đang cháy dở mang ra gốc cây đổ đi.
Hương của ông ta đốt tốt nhất là đừng nên cắm cho cha ta, kẻo ông lại tức giận đến độ bật nắp quan tài xông ra thì chẳng hay tí nào.
"Đa tạ lòng tốt của Tả thừa tường, cha con sĩ diện cao chắc chắn không muốn con đến nhờ vả người đâu. Cha con chỉ muốn Tả tướng sống thật lâu thật lâu như con rùa, có chuyện thì cứ rụt cổ vào vỏ thôi."
Ông ta nghe vậy thì nhăn mặt chẳng nói thêm lời nào nữa, nhưng Tư Đồ Quân Dao thì chẳng dễ dàng bỏ qua như vậy:
"Diệp Hạ Vũ, ngươi chỉ là một tên thư đồng nhỏ mà dám cả gan mắng Thừa tướng đương triều. Cha ngươi chết rồi, chẳng còn ai làm chỗ dựa cho ngươi nữa rồi, trước sau gì ngươi cũng chết không tử tế như ông ta."
Cha ta nói sống trên đời không thiếu những lời nói khó nghe, đến mức người ta không thể làm gì khác ngoài cười nhạt quay đi.
Mấy ngày tiếp sau đó, Thái hậu liên tục đưa đến vàng bạc châu báu từng hòm tới không ngớt, nhiều đến mức đêm nào trong phủ cũng có trộm ghé qua.
Tuy nhiên trộm này không lấy vàng bạc mà chỉ thích đào gạch nhà ta lên, có lần ta định đến phòng cha thu dọn đồ đạc của ông, nhìn thấy cỏ bị đạp đến chẳng mọc nổi, cây lớn cây nhỏ bị bứng cả rễ lên, đồ đạc trong phòng bị lục tung vứt lộn xộn đầy đất dường như chẳng còn nổi chỗ trống để đặt chân.
Lẫn lộn trong đó có chiếc hộp gỗ sơn đỏ đã bạc màu thoạt nhìn bình thường nhưng lại cất giấu cả thời ấu thơ của ta trong đó.
Ta dẫm lên đống hỗn độn bước tới nhấc nó lên mở ra, bên trong là những mảnh gỗ mỏng được cha ta cắt thành hình người rồi sơn vẽ mặt mũi quần áo lên, mặt sau còn gắn thanh gỗ dài nhỏ để cầm.
Những ngày ông chưa vào làm quan, đêm nào ông cũng ngồi cạnh giường ta, chỉ đốt một ngọn nến duy nhất, ánh nến hắt lên bức tường những chiếc bóng, còn ông thì tay cầm những con rối gỗ miệng thì kể chuyện không ngừng.
Trên chiếc giường nhỏ, trong căn phòng chẳng có gì lấy làm sang trọng đó, vào những ngày mùa hè nóng cháy da, những đêm mùa đông lạnh thấu xương, chỉ có ta và ông người chăm chú kể người lặng yên lắng nghe, ngày qua ngày đến độ ta thuộc nằm lòng bộ truyện Tam Quốc Diễn Nghĩa lúc nào không hay.
Trong những ngày đó chẳng có Hữu thừa tướng nào xen vào, chẳng việc triều chính nào cắt ngang, chỉ có cha và đứa con là ta.
Sau này khi ta lớn thêm chút nữa, những câu chuyện đã trở nên xưa cũ và nhàm chán, xung quanh xuất hiện nhiều món đồ chơi mới làm ta quên đi những con rối này, cứ tưởng đã bị vứt đi đâu đó rồi nhưng ai ngờ cha ta lại cất giữ chúng.
Dù cho chiếc hộp đã sờn cũ nhưng những món đồ bên trong vẫn nguyên vẹn như thuở nào, tựa như chỉ có bản thân ta vô tâm quên đi còn cha vẫn nhớ rõ lại không một lần trách móc ta.
Ta mặc kệ lời Bàng thúc, ngồi suốt cả mấy đêm liền trong linh đường, trong lúc mệt mỏi mà thiếp đi vẫn giữ chặt chiếc hộp đó bên mình không buông.
Đêm đó không hiểu vì sao đang ngủ bỗng tỉnh giấc, cảm giác trống rỗng hãi hùng bủa vây lấy cơ thể khiến ta khó chịu đến độ ngây người, đôi chân không nghe lời vô cớ bước ra ngoài sân mặc kệ cho sỏi đá dưới chân đâm sâu vào da thịt cũng không thấy đau đớn, ta cố để hơi lạnh ban đêm khiến bản thân tỉnh táo nhưng không tài nào cảm nhận được sự lạnh buốt khi cơn gió thổi qua, cứ đứng yên ngước nhìn cây đào trong vườn, cành lá xanh mướt đung đưa nhẹ nhàng.
"Thiếu lang! Sao lại đứng đấy?" Bàng thúc bỗng la lớn khiến trái tim nảy lên một nhịp.
Nội dung chương bạn đang xem bị thiếu. Vui lòng truy cập website https://truyenabc.com để xem nội dung đầy đủ. Cảm ơn bạn đọc!