Cường vẫn nói chuyện với Cẩm Phô bằng ngôn ngữ của... những ngón tay nhưng sau tai họa tày đình kia, nó không còn dám lạm dụng thứ ngôn ngữ bí hiểm này vào những mục đích bừa bãi nữa. Cường thôi chỉ trỏ lung tung.
Bây giờ, những ngón tay đầy cáu ghét của nó chỉ đóng vai trò của những chiếc kim đồng hồ: ngón trỏ là một giờ, ngón trỏ giữa là hai giờ, ngón trỏ đưa lên ngón giữa gập xuống là một giờ rưỡi...
Dĩ nhiên không phải lúc nào Cẩm Phô cũng hoan hỉ đáp lại lời hẹn hò của tôi. Những lúc bận chuyện gì không đi được, nó trả lời bằng cách đưa tay lên vuốt tóc.
Cẩm Phô dặn tôi như vậy.
Bữa nào Cẩm Phô vuốt tóc, Cường hộc tốc đến nhà tôi.
- Hỏng bét rồi!
- Có chuyện gì vậy?
- Bữa nay nó lại rờ đầu!
Thứ văn chương thô thiển của Cường bao giờ cũng khiến tôi nhăn mặt:
- Nó vuốt tóc thì bảo nó vuốt tóc, mày cứ nói rờ đầu nghe thấy ghê!
- Ghê gì đâu?
Tôi hừ mũi:
- Nghe cứ như thể đầu nó toàn là ghẻ chốc!
- Chứ gì nữa!
- Cường nham nhở
- Chính nó lây cho thằng Phú ghẻ nhà mình...
Tôi dậm chân dậm cẳng, không đợi Cường nói hết câu:
- Mày có xéo ngay đi không!
Thấy tôi phùng mang trợn mắt, Cường rụt cổ, lảng mất. Nhưng vài ngày sau nó lại mò đến, cười toe toét:
- Ngon lành!
Bữa nay bật ngón tay xong, tao liếc chừng cả buổi, chẳng thấy nó rờ đầu rờ cổ miếng nào!
Hào hứng với thành quả vừa đạt được, Cường quên béng mất giữa vuốt tóc và rờ đầu từ nào nghe văn hoa thơ mộng hơn từ nào. Nó cứ thuận miệng tuôn ra ào ào. Tôi lại nhăn mặt, nhưng những lần sau này tôi chẳng thèm cự nự nó.
Cự nó, nó lại phịa chuyện Cẩm Phô có ghẻ, tôi càng lộn tiết thêm.
Thật ra trong mười lần tôi rủ Cẩm Phô đi ăn chè, nó chỉ vuốt tóc với tôi khoảng hai lần. Tám lần khác nó đều y hẹn. Tôi đến quán bà Thường ngồi đợi chừng mười phút là thấy nó xuất hiện. Như vậy là thằng Phú ghẻ nói đúng. Cẩm Phô thương tôi chứ đâu có thù tôi.
Thằng Phú ghẻ ngứa này mà đi làm thầy bói chắc là giàu sụ!
Nhưng mặc dù thương tôi không để đâu cho hết, mặc dù những buổi trưa trong vườn bà Thường yên tĩnh và cực kỳ thơ mộng, Cẩm Phô vẫn không chịu ngồi gần tôi.
Lần nào nó cũng ngồi vào chiếc ghế đối diện, bất chấp việc trước đó tôi đã khéo léo bố trí hai ly chè nằm sát về phía tôi và hoàn toàn xa cách tầm tay nó.
Chiếc ghế chết tiệt đó ngăn cách với tôi bởi chiếc bàn cũng chết tiệt không kém, lần trước tôi rải đầy lá khô, Cẩm Phô còn không ngán, huống chi bây giờ tôi chẳng dám ngo ngoe.
Bao giờ cũng vậy, mỗi lần Cẩm Phô chuẩn bị an tọa trên chiếc ghế khốn kiếp đó, tôi đều mở thao láo mắt ra nhìn nó và ấm ức tự nhủ người xưa bảo
"nam nữ thọ thọ bất thân", ông cố tôi và bà cố Cẩm Phô nếu ngồi ăn chè với nhau chắc cũng ngồi cách xa như vậy, thậm chí nếu không có bàn có khi phải chạy đi mượn cái bàn của ai đó đặt vô giữa, nhưng đó là người xưa, còn Cẩm Phô là cháu chắt xa lắc xa lơ của các vị, là người đời nay, sao nó cũng bày đặt thọ thọ với tôỉ?
Nội dung chương bạn đang xem bị thiếu. Vui lòng truy cập website https://truyenabc.com để xem nội dung đầy đủ. Cảm ơn bạn đọc!