Nguyễn Đình Chu nhận tiền rồi đi luôn, chẳng khách sáo gì nhiều. Nghe cục cưng nhà anh nói, nữ chính kia có một cái không gian trồng trọt, bên trong giấu được rất nhiều thứ, mười bao gạo chẳng thấm vào đâu.
Nguyễn Đình Chu chỉ tò mò về không gian chứa vật tư, đó là thứ gì mà lợi hại đến vậy?
Thật ra anh cũng muốn xem thử không gian của cục cưng nhà mình.
Tiếc là bây giờ cục cưng nhà anh chỉ còn vỏn vẹn 8 điểm ước nguyện, còn thiếu tới 98 điểm nữa mới đủ một trăm, chẳng biết đến năm nào tháng nào mới gom đủ.
Trên đường quay về, bọn họ đi rất thong thả. Ba thanh niên trí thức vừa thảo luận bài vở, vừa thay nhau hỏi đáp để ôn lại kiến thức cấp ba.
Ông Lưu một chữ bẻ đôi cũng không biết, đành lầm lũi đi đường, thầm nghĩ nửa năm sau phải cho hai đứa con đi học, kẻo lại mù chữ giống mình, người ta nói gì cũng không hiểu.
Bán đi hơn hai mươi bao gạo, trong nhà vẫn còn hơn bảy mươi bao.
Hễ chợ đen mở cửa là Nguyễn Đình Chu lại chở một xe gạo đi bán.
Ban đầu thì có ông Lưu đi cùng, sau này là Lê Thanh Phong. Anh ta có tiền, chẳng để ý mấy công điểm ít ỏi đó, đằng nào cuối năm thi đỗ đại học là bọn họ được về thành phố rồi, có làm việc hay không cũng chẳng sao.
Suốt một tháng sau đó, ngày nào anh cũng dậy sớm thức khuya, tất bật ra chợ đen bán gạo. Thời gian đầu bán rất chạy, nhưng sau vụ thu hoạch, nhà ai cũng có lương thực nên người mua gạo ở chợ đen cũng ít dần.
Cũng có những người sành ăn, đã ăn thử gạo của Nguyễn Đình Chu thì thấy rất ngon, không chỉ thơm dẻo mà còn chất lượng. Hạt gạo trắng tinh, thon dài, nhìn là biết loại được xay xát kỹ lưỡng.
Không ít người ăn hết gạo nhà mình rồi lại ra chợ đen mua thêm gạo của anh về.
Những nhà đông miệng ăn thì mua luôn hai bao về trữ, để dành ăn từ từ.
Gạo của người khác bán giá một hào tư, một hào rưỡi một cân, lại còn cần phiếu lương thực.
Gạo của Nguyễn Đình Chu bán vừa ngon vừa sạch, lại không cần phiếu gạo, giá hai hào hai một cân. Tuy có đắt hơn một chút, nhưng vì không cần phiếu gạo nên ai cũng vui lòng mua.
Phải biết rằng phiếu lương thực rất khó kiếm, ở trạm lương thực, không có phiếu gạo thì đừng hòng mua được gạo.
Cứ thế, hết tháng bảy, một trăm bao gạo mà Nguyễn Sơ Đường ước ra, trừ hai bao gia đình bọn họ giữ lại ăn, còn lại đều bán hết sạch, thu về được hơn một nghìn tệ trong tay.
Hạ Thục Nghi lần đầu tiên nhìn thấy nhiều tiền như vậy, suýt nữa không nói nên lời: "Đây đều là tiền của chúng ta ư?"
"Đều là tiền bán gạo kiếm được cả đấy. Nếu có tem phiếu, nhà mình thừa sức mua được một chiếc xe đạp rồi." Nguyễn Đình Chu chỉ nói vậy thôi, dù sao họ cũng sắp về thành phố, bây giờ mua xe cũng khó mang về, chẳng phải là lãng phí tiền sao.
Vả lại, tem phiếu công nghiệp đâu phải thứ dễ kiếm.
Nguyễn Sơ Đường nhướng mày: [Có chiếc xe đạp thôi mà, ba muốn thì con...]
Vừa nghe Nguyễn Sơ Đường lại định tiêu tốn điểm ước nguyện, Nguyễn Đình Chu vội đánh trống lảng, cố ý nói với Hạ Thục Nghi nhưng thực chất là để Nguyễn Sơ Đường nghe: "Anh chỉ nói vu vơ thôi mà, xe đạp có mua giờ cũng không mang về thành phố được, chẳng để làm gì, chi bằng đợi về thành phố rồi sắm sửa sau!"
Nguyễn Sơ Đường ngẫm lại cũng thấy đúng: [Vẫn là ba nghĩ chu đáo nhất. Đúng thật, xe đạp thì làm sao bằng ô tô con được nhỉ. Chỉ tiếc là ba chưa có bằng lái xe, chứ nếu có bằng lái rồi thì, hì hì...]
Ý tứ quá rõ ràng.
Nguyễn Đình Chu đến nghĩ cũng không dám nghĩ tiếp, chỉ sợ con gái thật sự dùng điểm ước nguyện đổi một chiếc ô tô con ra cho mình.
Trước kia con bé đúng là biết lái xe, nhưng giờ nó mới là một đứa trẻ đáng yêu bốn tháng tuổi, có đổi ô tô ra thì nó cũng đâu lái được!
Hai vợ chồng sợ Nguyễn Sơ Đường lỡ lời đổi ra chiếc ô tô thật, nhìn khoảng sân vẫn yên lặng như tờ thì mới âm thầm thở phào nhẹ nhõm.
Vừa mới giải quyết xong một trăm bao gạo, giờ lại lòi ra thêm chiếc ô tô nữa thì bọn họ thật sự không biết phải xử lý thế nào đây!
Nội dung chương bạn đang xem bị thiếu. Vui lòng truy cập website https://truyenabc.com để xem nội dung đầy đủ. Cảm ơn bạn đọc!