Tháng Mười một năm ấy, tổ phụ theo chiếu lên kinh, Đại tỷ Lan Quân xuất giá, mẫu thân bèn bàn với phụ thân, hay sẵn dịp tiễn giá mà vào kinh ở một thời gian đi, vừa hay có thể sắm sính lễ cho Đại ca.
Ta hiểu ý của bà ấy, bà nghe nói nhà cậu Trường Ninh mới lên kinh, tính nhân dịp này đến chào hỏi làm thân, Trường Đình biểu ca vẫn chưa đính hôn, bà ấy nói trước mặt tổ mẫu rất nhiều lần là muốn gả Tứ tỷ đi, nhưng tổ mẫu vẫn chưa đồng ý.
Cứ tưởng suy nghĩ ấy của bà sẽ không thành, vì lúc nào tổ mẫu nhắc với bà Tôn về mẫu thân là luôn nói bà suy nghĩ hão huyền, ai ngờ thế mà lại thành thật.
Không những Đại ca và Tứ tỷ, ngay cả ta cũng được phép đi theo, tổ mẫu đã nói, nếu đã muốn đi thì phải dẫn đi hết, cũng để tụi nhỏ thấy cảnh đời.
Tuy ta đã lớn thế này nhưng đó là lần đầu tiên rời khỏi Du Châu, hồi đọc "Thiên Lý hành" của Bạch Trường Thị, trong thơ nói đất kinh kỳ "mười dặm một đình, năm dặm một gác", ta còn thấy thơ ca nói quá, sao có chuyện năm dặm dựng một trạm gác được! Nên khi sắp tới kinh đô, ta và Tiểu Thất dựa vào cửa xe trông ra ngoài. Thấy cứ cách mỗi dặm là lại dựng một cọc gỗ, qua năm cọc là có một mái đình bốn góc, bên trên treo hai chiếc đèn lồng, trên đèn viết một chữ "Vệ" to tướng, Tiểu Thất ở bên cảm thán, thì ra đã có đèn đường sớm thế này rồi à, ta không hiểu đèn đường là gì, nhưng cũng không hỏi muội ấy, chỉ coi muội ấy đang nói lung tung.
Vì ta hay đau ốm nên sau khi đến kinh thành, mẫu thân chỉ dẫn mỗi Tứ tỷ ra ngoài.
Tứ tỷ đã mười bốn, theo lý cũng nên sớm định thân, nhưng mẫu thân thấy tỷ ấy vừa có phúc tướng lại có tài học, chắc chắn sẽ gả cho rể quý, nên từ chối rất nhiều bà mai đến cửa cầu hôn.
Nửa tháng sau khi lên kinh thành, có một buổi sáng, tổ phụ bỗng sai người đưa hương án ra sân, cả nhà quỳ trước hương án, nghe một người mặc áo bào đỏ niệm một bài dài chẳng hiểu gì.
Hôm ấy trong nhà rất náo nhiệt.
Ít lâu sau, tổ mẫu dẫn bọn ta đến nhà Cữu gia, ở đó, lần đầu tiên ta gặp chàng.
Ta đã từng nghĩ rất nhiều lần rằng, nếu ta có được học vấn và độ tuổi của Tứ tỷ, lại có dung mạo của Tiểu Thất, phải chăng lần đầu tiên chàng sẽ nhìn ta?
Tiếc là khi ấy ta không có gì cả, thậm chí cơ thể cũng không khỏe.
Ta còn nhớ rất rõ, lúc ấy chàng mặc trường bào, ngồi nghiêm trên ghế, Cữu gia nói với chàng chuyện gì chàng cũng có thể đối đáp trôi chảy, ánh mắt của mọi người dính cả lên người chàng, bao gồm ta.
Có nhẽ chàng chính là người thông minh nhất, tuấn tú nhất trên đời này?
Chàng tên Mạc Trường Mạnh, là Đại ca nói cho ta biết, bảo chàng thuộc nhánh bên của Mạc gia, vốn dĩ sẽ không được đến nhà chính Mạc gia học hành, nhưng có lần Cữu gia thấy chữ của chàng trong buổi tiệc mừng, lập tức cho phép cho chàng đến học, còn đặt tên tự cho chàng – Trọng Sinh.
Một lần gặp gỡ vội vàng, chàng không biết ta, nhưng kể từ đó cuộc đời ta bắt đầu quay xung quanh chàng.
Năm đó ta mới mười tuổi.
Từ đêm đầu tiên nhìn thấy chàng, ta không còn lén đổ bát thuốc Tiểu Thất đưa tới nữa, cũng bắt đầu chăm chỉ học nữ công, dù ngón tay bị đâm phồng rộp cũng không còn kêu la. Đọc sách viết chữ đều nghiêm túc, mỗi ngày phải luyện trên ba tờ giấy mới dám đi ngủ.
Vì… vì chàng xuất sắc quá.
Đáng tiếc là chàng đã đính hôn, bởi chàng lớn hơn ta những sáu tuổi.
Lần thứ hai gặp chàng là ở Trường Ninh, năm đó ta đã mười bốn.
Hôn thê của chàng đổ bệnh qua đời, Tứ tỷ cũng không thể đính hôn với biểu ca Trường Đình, Cữu gia thấy có lỗi với tổ mẫu nên giới thiệu chàng, khen chàng vừa giỏi vừa có ngoại hình, chắc chắn tương lai sẽ vươn cao.
Tổ mẫu do dự, thứ nhất là chàng đã từng có hôn ước, thứ hai là xuất thân của mẫu thân chàng không tốt, sợ sau này mẹ chồng nàng dâu sống chung sẽ có xung đột.
Tối hôm ấy, ta trùm chăn khóc suốt đêm, người trong lòng bỗng biến thành anh rể, cảm giác này thật sự sống không bằng chết. Tiểu Thất tưởng bên ngoài trời mưa, quên đóng cửa sổ nên nửa đêm thức dậy, bỗng phát hiện ta khóc làm ướt góc chăn, muội ấy thở dài, chui vào lại trong chăn.
Hai đứa nằm đối mặt nhìn nhau, muội ấy hỏi ta: Có phải ta thích Mạc Trường Mạnh không?
Ta ngạc nhiên, hỏi sao muội có thể nhận ra?
Muội ấy bảo đến kẻ mù cũng nhận ra được nữa là, rồi nói với ta một câu: tuy nói ra chưa hẳn đã tốt, nhưng nếu không nói thì chắc chắn sẽ vô dụng.
Ta có thể cưới Trọng Sinh phải cần cám ơn hai người, một là Tiểu Thất, muội ấy khuyên ta mau đi nói với tổ mẫu. Một người khác không biết nên gọi là anh rể hay em rể – Lý Sở, đầu tiên y cưới Tứ tỷ, sau lại dẫn Tiểu Thất đi, cũng coi như là ân nhân của ta.
Năm ta xuất giá, Tiểu Thất sai người từ kinh thành đưa về cho ta một đôi kết uyên ương bện từ dây tơ hồng. Đêm tân hôn, ta lén thắt nó vào ngón tay mình, còn đầu kia quấn quanh ngón tay chàng, nhìn ngón tay hai người được sợi chỉ đỏ nối liền, lòng ta bỗng vui mừng.
Ta biết chưa chắc chàng đã thích ta, tuy ta không xấu nhưng cũng không tính là đẹp, ta có đọc sách nhưng lại không thể xuất khẩu thành thơ, ta biết nữ công, biết nấu đồ ăn, nhưng không việc nào xuất sắc, ta học được tất cả mọi thứ mà ta có thể học, cuối cùng phát hiện không có thứ nào khiến người ta để ý đến mình.
Nội dung chương bạn đang xem bị thiếu. Vui lòng truy cập website https://truyenabc.com để xem nội dung đầy đủ. Cảm ơn bạn đọc!