Tùng Dung đi ăn trưa với người khác về, bước trên lớp tuyết ở khu chung cư, vừa vào trong tòa nhà liền thấy anh vận đồ Tây nghiêm chỉnh đứng chờ thang máy. Chiếc áo khoác lông dê vắt trên tay, một vali hành lý nhỏ màu đen đặt bên cạnh, có vẻ như anh mới đi xa về.
Tùng Dung làm luật sư lâu ngày, đã gặp quá nhiều người ăn vận nghiêm chỉnh. Những người ấy hoặc là bộ dạng cứng đờ, hoặc là giống dân bán bảo hiểm, hiếm ai có được khí chất riêng của mình.
Cô lặng lẽ quan sát thêm. Là đồ may thủ công, sang trọng lịch lãm, rất đẳng cấp và đầy phong cách. Nghe nói màu xám là lựa chọn tuyệt vời nhất trong tủ đồ của đàn ông, là sự pha trộn giữa nét đẹp và vẻ phóng khoáng.
Riêng về vấn đề này, cô đã có nhiều kinh nghiệm, biết rằng muốn nhìn ra xuất thân của một người thì không nên dựa vào áo vest, mà phải xem sơ mi bên trong. Cổ áo sơ mi của anh rất vừa vặn, tay áo sơ mi lộ ra ngoài tay áo vest đúng nửa tấc(*), hoàn hảo.
(*) Nửa tấc: 1.27 cm.
Ánh mắt Tùng Dung lướt xuống phía dưới. Quần Tây ôm lấy đôi chân dài, ống quần chạm đúng đến miệng giày.
Khi cô ngẩng lên, anh đang kéo cà vạt, những ngón tay thon dài sạch sẽ hơi cong, để lộ khớp xương sắc nét. Bàn tay ấy cứ dao động, dao động đến mức cuộn lên cơn sóng ngầm trong lòng Tùng Dung, gợi cảm đến chết người.
Không được nhìn nữa, không được nhìn nữa! Lý trí của Tùng Dung liên tục nhắc nhở bản thân, nhưng ánh mắt lại không nỡ dời đi.
Vài giây sau, cô dứt khoát quay người đi, quyết định sẽ đạp tuyết thêm một lúc nữa để lấy lại tỉnh táo.
Đúng lúc ấy cửa thang máy mở ra. Ánh mắt Ôn Thiếu Khanh lướt qua cô gái vừa lao ra ngoài như một cơn gió, mỉm cười rồi bước vào trong.
Ôn Thiếu Khanh về nhà tắm rửa, thay quần áo rồi ra ngoài. Khi đi qua vườn hoa của chung cư, anh thấy cô hàng xóm mới mặc bộ trang phục đơn giản đang tức giận đạp lên tuyết bên cạnh một đám trẻ con nhảy nhót nghịch tuyết, khác hẳn người phụ nữ mặc đồ công sở, dáng dấp trưởng thành chỉn chu mà anh gặp mỗi khi đi làm và tan làm.
Anh ngắm cô một lúc rồi cười bỏ đi.
Tuyết đọng khắp đường, nhiệt độ lại thấp nên nhanh chóng đóng băng. Ôn Thiếu Khanh không lái xe, lên xuống mấy chuyến tàu điện ngầm mới đến được Thành Nam.
Xuống tàu điện ngầm, đi thêm một đoạn thì đến trước cửa một căn tứ hợp viện. Chưa tới nơi đã ngửi được mùi thuốc từ bên trong, hương vị như đậm hơn trong bầu không khí giá lạnh. Anh đứng trước cửa một lát mới gõ cửa.
Sau khi gõ ba tiếng, Ôn Thiếu Khanh đứng yên chờ. Một lát sau, thấy cửa mở ra, anh cười gọi: "Bà nội."
Bà cụ tóc bạc trắng nhưng sắc mặt hồng hào chào anh, "Về rồi đấy à? Bà đoán ngay là cháu mà. Người khác gõ cửa không kiên nhẫn như cháu, sẽ không chờ. Cháu biết bà nội lớn tuổi rồi nên đi lại sẽ chậm chạp."
Ôn Thiếu Khanh đóng cửa, ôm vai bà thân mật rồi đỡ bà đi vào trong, "Vâng, cháu về lúc trưa. Cháu đến ăn chực, tiện thể đón Nhường... đón chó của cháu."
Bà Ôn nghe vậy liền cười, "Sao nào, tưởng ông bà không biết cháu gọi nó là Nhường Chút(*) à? Ông cháu vừa gọi chú út cháu là thấy nó hớn hở chạy đến, bao nhiêu lần như thế ai mà không hiểu? Cháu đấy, sao vẫn nghịch như trẻ con vậy?"
(*) Chữ "nhường", âm Hán Việt là "nhượng", là tên chú út của Ôn Thiếu Khanh (Ôn Nhượng).
"Ha ha, ông đâu hả bà?"
"Bác gái cháu bị ốm, anh họ cháu đến lấy thuốc. Ông đang xem chú út cháu sắc thuốc trong phòng."
Ôn Thiếu Khanh nhướng mày, "Tiêu Tử Uyên cũng ở đây?"
Chú út của Ôn Thiếu Khanh, Ôn Nhượng, là đứa con sinh muộn của ông cụ Ôn. Ôn Nhượng không lớn hơn Ôn Thiếu Khanh bao nhiêu tuổi, hai người tuy là chú cháu nhưng từ nhỏ đã cùng nhau đùa nghịch mà lớn lên, đến tận bây giờ Ôn Thiếu Khanh vẫn chưa bao giờ gọi Ôn Nhượng một tiếng "chú út". Ôn Nhượng đã có chút tiếng tăm trong giới Đông y, mấy năm trước không biết bị điều gì kích thích mà lên một ngôi chùa trên núi ăn chực nằm chờ.
Ăn chực lâu ngày bị chùa ghét bỏ, bèn treo một tấm biên nhận bệnh nhân trên núi, sống nhàn nhã qua ngày bất chấp việc làm ăn có khá khẩm hay không. Ôn Nhượng được ông cụ Ôn đích thân dạy dỗ, rất giỏi y thuật, lâu ngày tiếng lành đồn xa, những người đến khám bệnh cũng dần nhiều hơn, còn có không ít người từ nơi khác tìm đến. Kiếm được bao nhiêu đều gửi nhà chùa làm tiền cơm, nếu nhiều thì xem như là tiền hương khói.
Mấy năm cứ thế trôi qua. Sau đó, Ôn Thiếu Khanh bày mưu lừa Ôn Nhượng xuống núi, thế là từ đó anh không còn đường thoát nữa.
Bước vào nhà, Ôn Thiếu Khanh liền bật cười.
Dù Ôn Nhượng còn trẻ nhưng tên tuổi cũng có tầm trong giới Đông y, vậy mà lại đang ngồi xổm trước cửa lò, cầm cây quạt khống chế sức lửa, trên mặt còn dính những vệt tro bếp, lại thêm vẻ lo sợ sẽ bị ông cụ mắng. Ôn Thiếu Khanh trông thấy vậy, tâm trạng trở nên tốt vô cùng.
Ông cụ Ôn là kiểu người "gừng càng già càng cay, bên ngoài uy phong lừng lẫy, mắng người cũng ngập khí thế, "Mấy năm rồi mà chẳng tiến bộ chút nào! Quên hết những gì ta dạy rồi! Sắc thuốc cũng không biết sắc! Bây giờ anh có danh tiếng rồi, loại việc này không đến tay anh làm nữa đúng không?"
Cách đó không xa, anh họ của Ôn Thiếu Khanh là Tiêu Tử Uyên cùng vợ là Tùy Ức đang cười xem kịch.
Mẹ Ôn Thiếu Khanh và mẹ Tiêu Tử Uyên là hai chị em ruột. Hai người lớn lên bên nhau, đến đại học lại ở cùng phòng, quan hệ khá tốt.
Nội dung chương bạn đang xem bị thiếu. Vui lòng truy cập website https://truyenabc.com để xem nội dung đầy đủ. Cảm ơn bạn đọc!