Chương 19: (Vô Đề)

Ngày mà Định An Hầu Phỉ Hạ và Thất hoàng tử Tề Anh dẫn đại quân về kinh là mười bảy tháng ba, trời trong nắng vàng rực rỡ, gió nhẹ ôn hòa lướt qua, cả kinh thành chìm trong không khí vui mừng.

Thái tử Tề Nhiễm dẫn theo văn võ bá quan, vâng lệnh Hoàng đế đích thân đến đình Bái Biệt bên ngoài kinh thành đón Phỉ Hạ và Thất hoàng tử đại thắng trở về.

Đây là ngày đáng được ghi vào sử sách, tất cả những con đường đi đến hoàng cung trong hoàng thành đã bị Ngự Lâm quân canh giữ từ sớm, bắt đầu giới nghiêm toàn diện.

Con đường mà Thái tử, Phỉ hầu, Thất hoàng tử cùng các quan viên đi qua khi về cung đã được dọn dẹp sạch sẽ, tiếng trống tiếng la ồn ào, vô cùng náo nhiệt. Ngự Lâm quân canh gác trên đường không cho phép bất cứ ai xông vào, bằng không sẽ bị phán tội mưu phản.

Vì sao có quy định này, là vì năm xưa khi Thái Tổ của Đại Tề vừa mới lật đổ tiền triều lên ngôi thiên tử thường hay ra khỏi hoàng cung quan sát dân tình, thu ngắn khoảng cách giữa mình và dân chúng.

Khi đó luôn có người xông đến trước đội hộ vệ kiện cáo, mà Thái Tổ vì thể hiện mình rất thân cận với dân chúng, không những không trách tội những người mạo hiểm đưa đơn kiện này, mà còn cho phép người nọ đến trước mặt mình, ôn hòa hỏi thăm nguyên do, ra lệnh cho Hình bộ và Đại Lý Tự cùng chủ trì thẩm lý những vụ án này. Sau đó, hành động này của Thái Tổ bị dư nghiệt tiền triều lợi dụng, suýt nữa Thái Tổ đã mất mạng, từ đó Đại Tề liền có điều luật này.

Vượt qua cảnh vệ trước mặt Hoàng đế sẽ bị định tội mưu phản. Nếu thật sự có nỗi oan khuất lớn bằng trời, thì bất cứ lúc nào cũng có thể Chung Cổ Lâu rung chuông dâng đơn kiện, chỉ cần tiếng chuông vang lên, Hoàng đế nhất định sẽ lên triều nghe kiện. Nhưng dù có oan ức đến đâu, cũng tuyệt đối không được vượt qua khu vực Ngự Lâm quân bảo vệ, cản đường Hoàng đế mà kiện cáo.

Cũng may trong những năm gần đây, người sống ở hoàng thành, thậm chí là khắp cả Đại Tề đều đã quen với quy định này. Hơn nữa thỉnh thoảng Hoàng đế cũng đi tuần, thế trận cũng không kém hôm nay. Dân chúng cũng không còn quá tò mò nữa, chẳng qua việc đánh thắng trận là việc đáng vui mừng, ai cũng đều thích thú.

Mỗi lần gặp tình huống này trong hoàng thành, các quán rượu hai bên đường đều làm ăn vô cùng tốt, trong đó nổi tiếng nhất chính là Túy Tiên Lâu cách hoàng cung gần nhất.

Vị trí của Túy Tiên Lâu rất tốt, có tất cả ba tầng: tầng một là đại sảnh, tầng hai là phòng riêng, tầng ba thì phải có bản lĩnh trả lời được câu hỏi mà Túy Tiên Lâu đưa ra thì mới được vào. Túy Tiên Lâu là một nơi phong nhã trong kinh thành, lại có thêm tầm nhìn toàn cảnh rộng rãi, sau lưng có nhà quyền quý làm ô dù, người thường không dám đắc tội, bài trí bên trong cũng vô cùng thanh nhã.

Người có quyền có thế tất nhiên có thể giành lấy một vị trí có tầm nhìn tốt trong Túy Tiên Lâu, còn có thể sở hữu một phòng riêng của mình, hưởng thụ phục vụ tốt nhất.

Đương nhiên, tự cổ kinh thành không thiếu quý nhân, con cháu tông thất, lúc này liền có thể nhìn ra ai là người chân chính nắm quyền, cũng có thể nhìn ra ai là người được Hoàng đế xem trọng.

Còn Lâm Duyệt chỉ là một kẻ áo vải, mà hôm nay lại được ngồi ở vị trí cao nhất, tốt nhất trong Túy Tiên Lâu.

Hắn có thể nhận được đãi ngộ này hoàn toàn là nhờ Thái tử. Hôm đó khi Lâm Duyệt cùng Thái tử bàn đến chuyện Phỉ Hạ và Thất hoàng tử Tề Anh về kinh, Lâm Duyệt đã nói mình muốn đi xem thử thế nào.

Lâm Duyệt cũng không phải thật sự tò mò với chuyện thắng trận, hắn chỉ muốn nhân cơ hội này để nói cho ông cụ Lâm biết sau lưng hắn có người chống đỡ, hắn thích làm cái gì thì làm cái đó, vậy nên dù có chuyện gì hay không cũng đừng giở trò.

Tề Nhiễm lòng sáng như gương, tất nhiên là nghe ra được ý đồ trong lời nói của hắn, nể tình quan hệ hợp tác đặc biệt của hai người, y cũng đồng ý giúp đỡ Lâm Duyệt chút việc nhỏ. Vì vậy mới có cảnh tôn thiếu gia Lâm Duyệt bình yên vô sự đi ra khỏi cổng lớn Lâm phủ, ngồi ở đây quan sát khung cảnh náo nhiệt bên dưới.

Nơi Lâm Duyệt đang ngồi là do Cát Tường của Đông cung và Phỉ Thanh cùng đến đặt chỗ, người có lòng chỉ cần hỏi thì sẽ biết nơi này là địa bàn của Thái tử, ai dám đắc tội? Mà bên cạnh chỗ của Thái tử chính là nhà họ Phỉ.

Phỉ Hạ thắng trận trở về, Thái tử Tề Nhiễm và Thất hoàng tử Tề Anh lại là cháu ngoại nhà họ Phỉ, gia tộc này đang tỏa sáng rực rỡ như mặt trời ban trưa, không có ai dám đắc tội bọn họ trong tình hình hiện nay.

Những người quyền quý trong kinh thành kia nghe được chuyện này đương nhiên hiểu rõ gian phòng này là của ai, nên tránh mặt Thái tử và nhà họ Phỉ, làm việc khiêm tốn là điều nên làm, không gây chuyện, giả vờ lương thiện là điều cơ bản, mà nịnh hót và thể hiện bản thân văn nhã là điều bắt buộc.

Chẳng qua Lâm Duyệt ngồi trong phòng này ngoại trừ khiến người khác hâm mộ thì cũng dẫn đến nhiều sự chú ý. Điều này cũng là tất nhiên, lúc này Thái tử đang ở đình Bái Biệt đón Phỉ hầu và Thất hoàng tử, ai đang ngồi trong phòng của Thái tử, có quan hệ thế nào với Thái tử, tất cả đều cần một lời giải thích.

Còn ông cụ Lâm vẫn một lòng muốn gây khó dễ cho Lâm Duyệt thì lúc này căn bản không còn lòng dạ nào mà nghĩ đến hắn, nguyên nhân thứ nhất là vì bây giờ ông cụ còn chưa lo nổi cho mình, còn phải cố gắng nghĩ xem nên làm sao để cứu vãn hình tượng của mình trong lòng Hoàng đế, vậy thì lúc này càng không thể làm gì Lâm Duyệt vốn đã gây ấn tượng với Hoàng đế.

Nguyên do thứ hai là vì mấy ngày gần đây Hoàng đế đã nhắc đến Lâm Duyệt đến ba lần trước mặt ông cụ rồi, đối với các quan viên thì đây là điều cực kỳ hiếm có, ông cụ Lâm là con cáo già, tất nhiên hiểu được Hoàng đế đang muốn để Lâm Duyệt lộ diện. Ông vừa mới đắc tội Hoàng đế mà không hiểu ra sao, lúc này không những không thể ngăn cản Lâm Duyệt ra ngoài, mà còn phải thể hiện trước mặt người ngoài rằng sức khỏe cháu đích tôn nhà bọn họ đã tốt lên rất nhiều.

Sau này ông cụ Lâm âm thầm dò hỏi, mới biết được nguyên nhân vì sao mà Lâm Duyệt lại gây ấn tượng cho Hoàng đế như vậy, có vài lần Hoàng đế bàn luận việc trên triều với Thái tử xong thì đến lúc giao lưu tình cảm giữa hai cha con, Tề Nhiễm vô tình nhắc đến cháu đích tôn nhà họ Lâm, cho rằng hắn rất thú vị.

Vì sao Thái tử lại nhắc đến Lâm Duyệt trước mặt Hoàng đế, là vì Phỉ Thanh cảm thấy Lâm Duyệt rất hay ho, nói năng hành xử hoàn toàn khác với lời đồn trước kia. Phỉ Thanh cảm thấy Lâm Duyệt rất giống mình, vì thế có ý định kết bạn với hắn.

Nể mặt Phỉ Thanh, Thái tử cũng nhắc đến Lâm Duyệt vài câu.

Đương nhiên ông cụ Lâm còn nghĩ sâu hơn, trong lòng ông cho rằng Thái tử biết không thể lôi kéo mình, mới cố ý ra tay từ chỗ Lâm Duyệt.

Vì ôm suy nghĩ như thế, lúc này ông cụ Lâm càng sâu sắc cảm nhận được rằng bát tự của Lâm Duyệt đối nghịch với nhà họ Lâm, cản trở tương lai của bọn họ, vậy nên lại càng bất mãn với Lâm Duyệt, thậm chí đến nỗi nhìn Lâm Trung và Trương thị cũng thấy ngứa mắt.

Lại nói, Hoàng đế vẫn nhớ như in việc ông cụ Lâm hành xử ngu xuẩn trong Ngự thư phòng lần trước, cho rằng cách nói năng hành xử của Lâm Duyệt rất có phong thái của ông nội.

Tính ra thì Hoàng đế vẫn rất tin tưởng ông cụ Lâm nhiều năm tận tâm tận lực làm việc cho mình, nhưng ngài cảm thấy không vui cũng là sự thật, vậy nên bèn trực tiếp cho ông cụ không vui theo.

Ông cụ Lâm cảm thấy Lâm Duyệt khó mà nên người chứ gì? Vậy thì ngài cứ đề cao Lâm Duyệt, chính là để nhìn thấy dáng điệu vừa xoắn xuýt khó chịu vừa phải đội ơn cửa ông cụ mà thôi.

Nội dung chương bạn đang xem bị thiếu. Vui lòng truy cập website https://truyenabc.com để xem nội dung đầy đủ. Cảm ơn bạn đọc!